MỘT SỐ NỘI DUNG NGƯỜI NỘP THUẾ CẦN LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

  1. Về tình hình sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không hợp pháp hóa đơn

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp được xác định là một trong các hành vi trốn thuế.

Việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không hợp pháp hóa đơn thường thể hiện thông qua các hình thức:

– Sử dụng hóa đơn giấy (hóa đơn mua của cơ quan thuế; hóa đơn đặt in; hóa đơn tự in…) theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định tại Nghị định số 32/2011/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP để cung cấp cho người mua khi bán hàng hóa, dịch vụ sau ngày 01/7/2022 (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

– Sử dụng hóa đơn, HĐĐT bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; HĐĐT không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; HĐĐT chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế; hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền… để cung cấp cho người mua khi bán hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng hóa đơn, HĐĐT không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; hóa đơn, HĐĐT khống (hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn, HĐĐT phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả; hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn…

  1. Về tình hình lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Theo nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán cũng được xác định là hành vi trốn thuế.

  1. Về thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan đến các hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế, hủy

Sau khi xử lý hóa đơn điện tử sai sót, người nộp thuế cần thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan đến các sai sót theo quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Replace post