Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Phổ biến hiện nay là hoạt động bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử Tiki, Lazada, Shoppee… và các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số như viết ứng dụng cho Appstore (hệ điều hành iOS), CH Play (hệ điều hành Android), Youtube, Google…
Cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT thuộc diện cá nhân kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế như sau:
Căn cứ pháp lý:
– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định về Luật quản lý thuế;
– Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ hướng dẫn về lệ phí môn bài;
– Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 09/07/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài;
– Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế;
– Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
– Thông tư số 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
1. Đăng ký thuế:
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (HKD) có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải đăng ký thuế, cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế.
Thời hạn đăng ký thuế: Thời hạn thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nhưng chưa được cấp mã số thuế) thì HKD phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký thuế:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT (ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính);
– Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC (nếu có).
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có);
– Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế:
– HKD thực hiện đăng ký kinh doanh tại Ủy ban Nhân dân cấp Quận để được cấp Mã số thuế liên thông đồng thời với Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– HKD không thuộc diện đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thuế trực tiếp tại bộ phận “một cửa” thuộc Chi cục Thuế Quận hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc đăng ký thông qua Cổng giao dịch thuế điện tử eTax.
2. Nộp Lệ phí môn bài (LPMB):
– HKD có nghĩa vụ phải nộp LPMB, trừ các trường hợp được miễn LPMB gồm: HKD có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống; HKD không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; HKD mới ra kinh doanh lần đầu được miễn LPMB trong năm đầu hoạt động.
– Mức thu LPMB như sau:
+ Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.
+ Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
+ Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
– Thời hạn nộp LPMB: chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
3. Căn cứ tính thuế:
HKD có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên thuộc trường hợp phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
3.1. Doanh thu tính thuế:
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với HKD là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà HKD được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
3.2. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu:
Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 40/2021/TT-BTC, trong đó:
– Hoạt động bán hàng hóa: tỷ lệ tính thuế GTGT 1%, thuế TNCN 0,5%.
– Dịch vụ nội dung thông tin số: tỷ lệ tính thuế GTGT 5%, thuế TNCN 2%.
3.3. Xác định số thuế phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
4. Phương pháp tính thuế:
– HKD phát sinh hoạt động bán hàng hóa trên các sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội lựa chọn kê khai, nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc phương pháp kê khai.
– HKD có thu nhập từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số lựa chọn kê khai, nộp thuế theo từng lần phát sinh hoặc phương pháp kê khai.
4.1. Phương pháp kê khai:
– HKD nộp thuế theo phương pháp kê khai (Hộ kê khai) bao gồm: HKD quy mô lớn và HKD chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai. HKD quy mô lớn là hộ đáp ứng ít nhất 1 trong 2 tiêu chí về số lao động hoặc tổng doanh thu như sau:
Lĩnh vực |
Số lao động tham gia BHXH bình quân năm |
Tổng doanh thu của năm trước liền kề |
|
từ 10 người trở lên |
từ 3 tỷ đồng trở lên |
|
từ 10 người trở lên |
từ 10 tỷ đồng trở lên |
– Hộ kê khai phải thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư số 88/2021/TT-BTC, áp dụng hóa đơn, chứng từ theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC và không phải quyết toán thuế.
– Hộ kê khai thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Hồ sơ khai thuế: Tờ khai thuế (mẫu số 01/CNKD) và Bảng kê hoạt động kinh doanh (mẫu số 01-2/BK-HĐKD) ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
– Đối với khai theo tháng: chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo liền kề tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Đối với khai theo quý: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thời hạn nộp thuế: chậm nhất là ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ khai thuế.
4.2. Phương pháp từng lần phát sinh:
– Cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh là cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm cố định, không bắt buộc thực hiện chế độ kế toán nhưng phải lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế từng lần phát sinh.
– Cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.
Hồ sơ khai thuế:
– Tờ khai mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).
– Tài liệu kèm theo (bản sao): Hợp đồng kinh tế; Biên bản nghiệm thu, thanh lý; Tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản / Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới / Hóa đơn của người bán hàng nếu là hàng hóa nhập khẩu, mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước / Tài liệu liên quan để chứng minh hàng hóa do cá nhân tự sản xuất.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thời hạn nộp thuế: chậm nhất là ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ khai thuế.
4.3. Phương pháp khoán:
– HKD nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
– Hộ khoán khai thuế khoán ổn định 01 lần/năm và kê khai, nộp thuế riêng đối với doanh thu đề nghị cơ quan thuế cấp hóa đơn từng lần phát sinh.
Hồ sơ khai thuế: Tờ khai thuế (mẫu số 01/CNKD) ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
Thời hạn nộp thuế khoán: là thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế.
5. Phương thức giao dịch điện tử:
HKD có thể thực hiện đăng ký, kê khai thuế bằng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
5.1. Giao dịch điện tử với cơ quan thuế:
HKD chưa có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế cần thực hiện đăng ký tài khoản theo 1 trong 2 cách sau:
– Cách 1: đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn)
– Cách 2: đăng ký qua Hệ thống thuế điện tử (https://canhan.gdt.gov.vn) hoặc qua ứng dụng eTax Mobile, HCM Tax.
HKD kê khai thuế điện tử như sau: đăng nhập Hệ thống thuế điện tử https://canhan.gdt.gov.vn à Vào mục kê khai thuế à Khai thuế CNKD à Chọn Tờ khai 01/CNKD – Tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh (TT40/2021).
5.2. Giao dịch điện tử với cơ quan đăng ký kinh doanh:
HKD truy cập vào Cổng thông tin điện tử các quận và thực hiện giao dịch trực tuyến một số thủ tục hành chính như: đăng ký thành lập HKD; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tạm ngừng hoạt động HKD; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; chấm dứt hoạt động kinh doanh.
6. Nộp thuế:
Nộp thuế tại các Ngân hàng thương mại như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MB Bank, Agribank hoặc có thể nộp thuế điện tử trên ứng dụng ETax Mobile, HCM Tax thông qua liên kết với ứng dụng thanh toán của ngân hàng.
Số tài khoản: 7111…… – Cơ quan thu Chi cục Thuế Quận …. mở tại Kho bạc Nhà nước Quận…. Nội dung kinh tế: Thuế GTGT (1701), Thuế TNCN (1003).
Sau khi nộp tiền vào NSNN, cá nhân nhận được chứng từ nộp thuế là Giấy nộp tiền có xác nhận của Ngân hàng để làm căn cứ xác định để cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
7. Một số lưu ý về xử phạt vi phạm hành chính:
– HKD đăng ký thuế, nộp hồ sơ khai thuế trễ hạn bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2020).
– HKD chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
– HKD có phát sinh hoạt động kinh doanh nhưng không thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định dẫn đến hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc cá nhân có hành vi trốn thuế với số tiền dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Luật hình sự số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
- THAM KHẢO XỬ LÝ KHI NHẬP LIỆU TRÊN BẢNG KÊ HÓA ĐƠN LIÊN QUAN CÁC HÓA ĐƠN KHÔNG PHẢI LÀ HÓA ĐƠN MỚI
- THAM KHẢO CÁCH CÁ NHÂN TỰ TRA CỨU NỢ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
- THAM KHẢO HAI CÔNG VĂN VỀ THỜI ĐIỂM XUẤT HÓA ĐƠN GTGT ĐỐI VỚI KHOẢN TIỀN ĐẶT CỌC ĐẢM BẢO THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
- THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU LÀ GÌ? THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU ẢNH HƯỞNG ĐẾN DOANH NGHIỆP RA SAO?
- THAM KHẢO CÔNG VĂN LIÊN QUAN LẬP HÓA ĐƠN TRẢ HÀNG
- CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI KHI ĐẠT DOANH SỐ CÓ PHẢI THÔNG BÁO / ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI KHÔNG?